Trước đó, ngày 6/5, anh Đ (sinh năm 1989; hộ khẩu thường trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được lời mời đầu tư online. Anh được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. Trước lời mời quá hấp dẫn, anh Đ đã nạp tiền để tham gia.
Ở đơn hàng đầu tiên, anh Đ nạp 12,5 triệu đồng và được nhận lại ngay 14 triệu đồng. Thấy công việc dễ dàng, anh Đ đã nạp thêm 50 triệu đồng để làm đơn hàng VIP 2. Tuy nhiên anh Đ không rút được tiền ra. Các đối tượng yêu cầu anh phải nạp thêm mới cho rút tiền hoa hồng và tiền gốc.
Do tiếc tiền, anh Đ đã chuyển gần 2,5 tỷ đồng nhưng không rút được tiền. Lúc này anh Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Vụ tương tự, vợ chồng chị Mai H. (sinh năm 1983, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) đã đến cơ quan công an thành phố Hà Nội cũng là bị hại trong vụ lừa đảo tuyển công tác viên online lên tới khiến vợ chồng này mất số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đây là số tiền hai vợ chồng tích cóp gần 10 năm định mua nhà.
Chị H. cho biết, trong một lần lướt mạng xã hội, chị vào một group rất đông các bà mẹ đang nuôi con nhỏ có thông tin tuyển cộng tác viên cho trang thương mại điện tử Shopee. Do thường xuyên mua hàng tại trang này nên H. tin tưởng, bấm vào đường link.
Sau khi kết nối với một đối tượng nữ, chị H. được biết công việc nhận được khá đơn giản. Chỉ cần đặt một món hàng, sau đó thanh toán tiền cho shop thông qua chuyển khoản sẽ được nhận hàng cùng 10% hoa hồng.
Ban đầu, chị H. cũng nảy ra nghi ngờ, tại sao lại có 1 công việc dễ dàng thu lợi nhuận như vậy, thì được "nhân viên" giải thích công ty hiện đang cần doanh thu, do đó cần bán được nhiều đơn và "đánh giá" của khách hàng.
Chị H. đã làm theo hướng dẫn và ngay sau đó, cứ mỗi một đơn hàng tăng lên đồng nghĩa với việc chị nhận số hoa hồng tăng tỷ lệ thuận.
Ngày hôm sau, đối tượng yêu cầu chị H. thực hiện thêm nhiều đơn khác, trị giá mấy chục triệu đồng song không thấy nhận được hoa hồng thanh toán như những lần giao dịch trước và được nhận lời giải thích do hệ thống đang lỗi, khi nào sửa xong sẽ thanh toán cả gốc lẫn 20% lãi.
Do tin tưởng, H. tiếp tục giao dịch thêm nhiều đơn hàng khác, lên đến cả trăm triệu đồng. Đến khi H. bày tỏ việc từ chối không đặt hàng, đối tượng hù dọa sẽ không chuyển lại số tiền gốc và lãi của những đơn hôm trước.
Do tiếc tiền và tâm lý "nuôi hy vọng", H. đã rút hết số tiền tiết kiệm để tiếp tục đặt hàng. Chỉ đến khi trắng tay, H. mới biết mình bị lừa. Sau 1 tuần bị "sốc", hai vợ chồng H. mới đến cơ quan công an trình báo.
Cũng với thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt 560 triệu đồng của anh T. (sinh năm 1970; trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội)....
Trước thực trạng này, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Trước những lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước, người dân cần chú ý các đường link giả mạo (đối chiếu với website thương mại điện tử chính thức hoặc website đã được đăng ký với Bộ Công thương).
Khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Nhân Dân